Rất nhiều loại cây to có, nhỏ có, màu sắc có và mùi thơm cũng có. Những thành phố mà mình từng đến, những xóm làng mà mình từng qua, chẳng còn mấy cây to. Những cây từ 50-100 năm xem ra hiếm rồi.
Để xem nào, mùa xuân, những ngày mưa phùn lất phất, vùng đào Nhật Tân, vùng quất Tứ Liên đông đúc người đổ tới. Những ngày ra tết, mưa dầm dề, tới đầu tháng ba là hoa ban dọc theo đường Bắc Sơn trước cửa lăng Bác nở rộ. Hoa màu phớt hồng dịu dàng như cô gái Thái. Còn một khóm vài cây ban nữa cũng nở hoa ngay góc hồ Hoàn Kiếm chỗ gần ngã tư hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng. Cây hoa ban không lớn lắm. Điểm dễ nhận biết nhất là những chiếc lá xẻ ở giữa tạo ra hình như chiếc móng con bò nên vì thế người ta còn gọi là cây móng bò.
Còn một loài hoa nữa cũng nở những ngày tháng ba đó là hoa sưa. Cây sưa rụng lá lúc nào chẳng rõ. Chỉ nhớ sau những ngày trời sương mù và mưa ướt nhẹp, đến một hôm nào đó gần trưa bỗng hửng nắng, hoa sưa nở trắng xóa trên đường Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... và lác đác những lùm cây trắng dọc trên các khu phố. Ngay phố Phan Chu Trinh đoạn gần vườn hoa Nhà Hát Lớn cũng có vài cây sưa rất đẹp. Sau khi hoa nở rộ, lá sưa ra xanh non mơn mởn trông mát mắt.
Vãn hoa sưa là tới gốc gạo cổ thụ bên hồ Hoàn Kiếm le lói những bông hoa đỏ trên các cành cao tít. Muốn nhìn rõ hơn phải chờ cuối tháng 3 nó rụng xuống dưới gốc cây già nổi đầy những u xù xì. Phía đối diện với cây gạo ở bên kia hồ, những cây bằng lăng bắt đầu nhú những búp lá màu nâu hồng. Mặc dù bằng lăng được trồng rất nhiều trên các tuyến phố nhưng nếu để quan sát quá trình ra lá của loài cây này thì cuối tháng ba bạn nên đến hồ Hoàn Kiếm.
Dọc bờ hồ phía phố Lý Thái Tổ có rất nhiều bằng lăng to nhỏ khác nhau. Những cây to mọc sát ven hồ, những cây nhỏ hơn mọc rải rác xung quanh. Nó sẽ ra lá rất khác nhau. Đã nhiều năm mình quan sát thấy cây còn khẳng khiu, cây nhú lộc, cây búp nâu hồng và có cây thì lá bắt đầu chuyển màu xanh. Nếu không tỉ mỉ quan sát từng chùm quả khô còn sót lại, khéo bạn không thể ngờ rằng chúng đều là bằng lăng cả đấy.Rồi đến những ngày nắng mới, trên khắp phố Hà Nội những cây chẹo khẳng khiu mà lá xanh non mởn.
Vẫn nhớ những đợt gió mùa đông bắc cuối mùa, một đêm trời bỗng đổ mưa, sáng ra trời chuyển lạnh và xà cừ bắt đầu thay áo mới. Ngày học cấp ba thường đi bộ dọc đường Láng mình rất ấn tượng với hàng xà cừ mỗi mùa lá rụng. Thích được bắt gặp những luồng gió thổi ào ạt lá cây rơi xuống đất. Cây xà cừ trầm tĩnh và già nua nhưng khoảnh khắc này nó dạt dào sức trẻ. Chỉ sau vài ngày lá rụng hết và một đợt lá mới nhanh chóng phủ kín vòm cây. Sự thay đổi này nhanh đến mức nhiều người Hà Nội còn không kịp biết tới mùa cây thay lá.
Không cần dự báo thời tiết, cây cối vạn vật ở Hà Nội cũng cho chúng ta biết được tiết trời. Cứ khi xà cừ thay áo mới là mình bắt đầu phơi phóng, soạn cất gần hết số quần áo rét bởi trời không còn rét đậm, không lo rét nàng Bân. Có năm mình chờ mãi chưa thấy dấu hiệu hoa sưa nở thì hóa ra năm đó ngày 14/3 vẫn còn rét đậm và tại Hà Nội nhiệt độ dưới 10 độ khiến trẻ em nghỉ học.
Nhắc tới Hà Nội không thể không nhắc tới hoa loa kèn trắng muốt. Dù cho hoa ly, hoa bách hợp giờ có bán quanh năm thì vẻ đẹp của hoa loa kèn không thể thay thế trong lòng người Hà Nội. Mùa hoa loa kèn rất ngắn. Mỗi mùa hoa là người Hà Nội phải nhanh tay mua cho kịp cắm vài lần. Hoa đầu vụ và cuối vụ thường đắt và không đẹp.
Lúc lá xà cừ bắt đầu rơi là những chiếc xe đạp chở đầy loa kèn đi dọc các con phố. Đó cũng chính là thời điểm hoa rẻ nhất. Các bà các cô mua bó hoa về cắm thường mặc cả mua thêm mớ hoa loa kèn ngắn để cắm trong các vò hình tròn để một vài chỗ trong nhà. Mình có thói quen quan sát lá xà cừ để mua hoa loa kèn cho kịp vụ.
Cuối tháng tư, đầu tháng năm, một khoảnh khắc rất đẹp của mùa cây thay lá nữa. Những hàng sấu cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng, phố Trần Hưng Đạo... một buổi sáng bỗng rơi vàng rực mặt đường. Lá sấu nhỏ vàng bay bay len lỏi khắp nơi. Xe cộ dường như chậm lại.
Bao năm mà mình vẫn thấy ngỡ ngàng mỗi khi thấy thảm lá vàng dọc con đường đi làm mỗi ngày. Hàng xà cừ lúc này lá đã xanh non màu ngọc bích. Nó bắt đầu nở hoa. Cây xà cừ hiền lành xù xì nở hoa chi chít. Cây rất to mà hoa chỉ là những chùm chấm trắng ngà li ti. Lá bằng lăng đã xanh màu hơn và những cây bàng muộn cũng đã ra búp lá màu đỏ sậm.
Ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ qua vài trận mưa rào đầu hạ, ve bắt đầu cất tiếng râm ran. Ngẩng đầu nhìn lên, hoa bằng lăng đã nở chùm hoa tím từ lúc nào. Khi bằng lăng màu hoa đã chuyển sang tím nhạt, hoa phượng nở đỏ rực dọc đường Thanh Niên. Hà Nội chuyển sang thời kỳ nóng bức hơn. Tùy theo xu hướng mùa hè năm đó sẽ nóng hơn hay mát mẻ hơn thường lệ mà bằng lăng và phượng nở rộ cách nhau gần hay xa. Những năm mùa hè mát mẻ thì thường một trong hai loại hoa trên nở không đẹp. Bạn thử quan sát chúng vài mùa, chắc cũng có thể ra môt bản tin dự báo thời tiết mùa hè cho riêng mình đấy.
Đầu hè, trên phố còn có một loại hoa là lạ. Đó là những cây muồng hoàng yến nở chùm hoa vàng tươi. Hình như giống cây này mới được trồng nhiều ở Hà Nội trong khoảng vài năm gần đây thôi. Chiều hè oi nóng chợt thấy ven đường một tán cây xanh dịu và những chùm hoa vàng giống màu vàng của loài lan vũ nữ. Hồi đầu, mình cứ tưởng nó là những chùm hoa giả của quán Trà hoa gần đó mang ra trang trí.
Nghe nói, một số tuyến phố mới ở Hà Nội được trồng toàn bộ loài cây này. Nếu thế thì đến mùa ra hoa sẽ thật tuyệt. Nhưng cái cây đầu tiên mình nhìn ở đầu phố Khương Trung nó đã bị một cơn dông quật gẫy rồi. Trước khi bị quật gẫy mình thấy lá nó bị sâu ăn lỗ chỗ. Vậy nên mình có ấn tượng chủ quan rằng loài cây này khó mà bền bỉ với thời gian.
Nói tới vụ cây đổ gãy lại nhớ tới thất bại của hàng liễu dọc phố Vũ Tông Phan ven sông Tô Lịch. Bác nào có sáng kiến trồng liễu ở phố này chắc vừa bước ra trong tiểu thuyết chứ chả có tí thực tế nào. Ngồi mà tưởng tượng hàng liễu rủ ven sông thì thật là hay. Nhưng đường ven sông thì chật hẹp. Liễu nó rủ cả vào mặt người đi đường thật nguy hiểm. Cứ phải đi vòng tránh nó nên bóng mát chả đáng là bao. Đi bộ trên vỉa hè cũng chả xong bởi ai mà rúc đầu qua cái rặng liễu xập xệ bên dưới toàn phân chó đó. Tệ nữa là mỗi cơn mưa dông, gió nó lại vặt cho vài cây. Mấy năm rồi mà rặng liễu cứ èo uột. Nếu cần thay thế, mình kiến nghị thay hết nó thành phượng vĩ.
Mùa hè có lẽ là mùa mà nhiều người yêu cây xà cừ nhất. Đang trưa nắng, đi dọc dường Láng hoặc đi trên đường Đê La Thành đoạn từ Giảng Võ ra tới Cầu Giấy, các tuyến phố được Pháp quy hoạch từ xưa... hàng xà cừ che phủ mát rượi. Những gốc xà cừ to nhất thường tập trung ở các phố thuộc khu Nhượng địa là khu phố Pháp được quy hoạch đầu tiên. Mình từng cho bọn trẻ đo vòng quanh các gốc xà cừ to ở phố Đặng Thái Thân và phố Phạm Ngũ Lão hơn 100 năm tuổi. Có gốc đo được 4,5 mét.
Tháng bảy đầu mùa mưa ngâu, đã bắt đầu thấy những chùm quả mẩy trong tán bàng xanh mướt. Buổi tối đi trên phố Điện Biên Phủ và mấy phố gần gần lăng Bác thoảng mùi hoàng lan. Mùi hoa này thật lạ, thoắt ẩn, thoắt hiện mà chả thể đoán được cây hoa nó ở phía nào.
Mùa hè cũng có nghĩa là vào mùa mưa bão. Khi tin bão liên tục được phát ra kèm theo những cụm từ kinh điển như “diễn biến phức tạp”, “bất thường” cũng là lúc phố Nguyễn Du thoảng mùi hoa sữa. Vậy là đã chớm thu. Hoa sữa chắc cũng chỉ là một loại hoa tầm thường nếu như không có cái bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng
Những bạn bè chung
Những con đường nhỏ
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm...”
Cá nhân mình thì thấy hoa sữa nó chỉ tuyệt với con phố nhiều cây xanh, mật độ xây dựng không quá khủng khiếp và có một không gian thoáng đãng bên hồ Thiền Quang cộng với bầu không khí hây hẩy gió mát lúc chớm thu Hà Nội. Những năm gần đây cây hoa sữa được trồng đại trà hơn. Những cây hoa sữa còi cọc đáng thương cố vươn lên mà sống giữa những khu toàn bê tông. Hương của nó trở nên dữ dội trên những con đường hầm hập nóng, tắm trong ánh đèn nhiều màu sắc và mịt mờ những bụi. Ô mà cái vụ “đại dịch hoa sữa” này thì nhạc sĩ Hồng Đăng cũng phải chịu tí phần trách nhiệm mới phải.
Một buối sáng thấy bầu trời dường như cao hơn, nắng dường như non hơn. Mình để ý cây bàng ngả chìa ra lòng đường trên phố Nguyễn Gia Thiều có chùm quả đã ngả vàng, vòm lá sẫm dần. Thu đích thị là đã sang rồi đấy.
Khi không còn thấy mùi hoa sữa là tiết trời Hà Nội sẽ chuyển thành những ngày nắng hanh hao. Lá bàng dần chuyển sang đỏ sẫm. Lúc này các cô gái sợ chết khiếp những ngày nứt nẻ. Những đợt rét đậm đầu tiên là lúc lá bàng rơi lả tả. Trong khi đó là bằng lăng mới chuyển màu đỏ đốm vàng chờ chuyển tiết xuân là rụng lá.
Cho dù mưa hay nắng, lạnh hay nóng thì những hàng cây lát dọc phố Láng Hạ vẫn bền bỉ xanh. Mình chưa theo dõi được nó rụng lá lúc nào. Hay giống như hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc cũng vậy. Nó cứ đứng đó, hiên ngang cùng năm tháng.
Phố phường Hà Nội còn biết bao nhiêu là cây cối. Trẻ con chẳng cần về quê mà chỉ đi quanh phố phường cũng học được khối thứ cây rồi. Liệu mình có hồ đồ không khi nghĩ rằng Hà Nội là một thành phố ở Việt Nam có thảm cây phong phú nhất. Cần gì phải xuống tận Cúc Phương hay lên Tam Đảo? Quan sát hết các cây ở Hà Nội đã tuyệt lắm rồi. Một hàng long não thơm là lạ. Một vài cây muồng hoa đào nở vào mùa hè như khoe chút sắc của mùa xuân còn sót lại.
Thấp thoáng trên phố còn có những bụi tre. Riêng phố Hai Bà Trưng có hẳn hai bụi. Còn có cả cây khế nở hoa tim tím trên phố Huế. Vết hằn năm tháng trên những cây “bóp cổ” được hình thành dọc phố Lý Thái Tổ chỗ gần khách sạn Metropole. Đối diện cổng Bắc Bộ Phủ còn có một cây me tuổi đời chắc cỡ 100 năm.
Lác đác trên phố quanh đó còn nhiều cây me khác cũng to không kém. Mình ấn tượng với cây me này bởi mình nhìn rõ được tán lá lim dim khép ngủ trong ánh đèn hắt sang từ phía Bắc Bộ Phủ. Nhớ quãng năm 1982, các buổi tối mùa hè mình theo tụi trẻ con cùng nhà số 8 Lý Đạo Thành chạy ra vườn hoa Con Cóc. Mình bị kiến lửa đốt một trận tơi bời vì trót ôm gốc me này. Hè năm 2014, mình dẫn bọn trẻ qua đó, bọn trẻ cũng kêu lên vì kiến đốt.
Không lẽ vẫn là tổ kiến ngày xưa?