Lá mỏng manh, lá đơn côi và nếu chỉ như vậy thôi lá đã là sự kỳ diệu khi góp mặt trên thế gian này. Thử hỏi cuộc sống sẽ thế nào nếu không có lá xanh biếc gom thành mùa lá, mùa hoa?

Lá góp thành những tán cây, những tán cây làm thành đường cây, phố cây và cả rừng cây. Cuộc sống này sẽ chẳng còn trữ tình, tươi trẻ khi không còn những mảng xanh của lá, của sự hiến dâng đến kiệt cùng.

Bai hoc tu chiec la xanh


Hẳn là ai cũng một lần từng nghĩ lá xanh chỉ là thứ hiện diện nhỏ nhoi trong cuộc đời này. Một thứ vô tri vô giác, thậm chí còn có những cái nhìn lệch lạc đầy vẻ coi thường. Nhưng lá xanh đã làm nên rừng xanh. Lá xanh đã tạo nên phố xanh. Lá đã làm nên cả mùa thu, mùa của nhớ nhung da diết. Nhưng rồi chính con người nhận ra rằng lá là tài sản, là thành tố nhỏ mà không nhỏ trong cuộc sống đầy nhọc nhằn và cũng đắm đuối của chúng ta.

Có một nhà thơ đã viết: “Trời thì xanh như rút ruột để xanh/ Cây thì biếc như vặn mình để biếc/ Mặt trời tỏa như trái tim nồng nhiệt/ Trong buổi chiều nhân nghĩa đến sâu xa…”.

Hẳn là nhà thơ đã hiểu được sự tận hiến của con người, của cây lá. Cây không vô tri, lá cũng vậy. Cây có hồn và lá có diệp lục. Cây có tuổi và lá có tình yêu. Sự tận hiến của cây, của lá, nhìn theo vòng tuần hoàn thì thấy ở đó còn bị cuốn theo bởi quy luật khắc nghiệt của tự nhiên. Cây lá cũng như con người, có sinh ra, có cống hiến, có già nua và mất đi.

Cây cống hiến cho đời thì quá rõ rồi, không chỉ quả ngọt, không chỉ bóng mát, mà là cả những tầng văn hóa sâu xa trong dòng chảy vô định của cuộc đời. Nhưng cây không thể cho quả, không thể cho bóng mát nếu nó chỉ có những cành trơ gầy khô cứng. Chính lá làm đẹp cho cây, lá hút khí trời nuôi quả và làm nên cả chuỗi giá trị bằng tinh lực của mình.

Rồi một ngày, chúng ta nhận ra lá đổi màu. Màu xanh đậm đà, được chưng cất từ thuở lộc non, đã hiến dâng sắc diệp lục cho con người, để đến mùa thu, lá già, kết thúc một vòng đời của lá. Lá vàng sẽ rụng xuống, về đất, làm phân bón cho đời, cho cây… Một điều tưởng như đơn giản, nhưng nghiệt ngã, nhưng đớn đau.

Điều ấy khiến mỗi chúng ta nghĩ đến con người, những số phận mong manh. Muốn đời lá xanh dài hơn, để tận hiến. Nhưng sự mong manh ngắn ngủi đó chỉ cho lòng người biết rằng, cần phải trân trọng những phút giây hiện diện trên cuộc đời này, những tháng ngày non trẻ.

Bởi thế, nên có người làm thơ kia đã chiêm nghiệm đời mình, bằng việc làm thơ về năm mươi chiếc lá, của năm mươi loài cây khác nhau. Mỗi chiếc lá tượng trưng cho một con người, với rất nhiều khác biệt nhưng đều có chung một điều, ở độ tươi trẻ, lá màu xanh. Anh tự vấn mình, bản thân là chiếc lá nào trong năm mươi chiếc đó?

Và trong rừng lá, anh cũng chỉ là một chấm xanh li ti. Từ chiêm nghiệm đến sự thôi thúc hành động, anh tích cực làm việc, tích cực cống hiến, tổ chức những chương trình thiện nguyện, sống có trách nhiệm hơn với mình và gia đình. Đó là những điều mà anh thấy có ý nghĩa. Anh sợ mình sớm già. Sợ mình sống mà vô dụng. Bởi thế, tận dụng mọi điều kiện, làm chiếc lá xanh kiệt cùng diệp lục, đó chính là bài thơ đẹp anh đã viết giữa đời.

Tôi tâm đắc với câu nói rất hay của một triết gia “Có những người chết ở tuổi 25 và đến 75 tuổi mới được chôn”. Có nghĩa là họ hoài phí 50 năm cuộc đời. Bài học về chiếc lá, bài học về tình yêu cuộc sống. Chúng ta sống ở trên đời, màu xanh là của chúng ta, tâm hồn là của chúng ta, vậy thì sao cho khi về với đất, ít nhất thì chiếc lá mỏng manh là chúng ta cũng đã tận hiến màu xanh, đã góp mặt làm thành cả rừng cây.

Tin tức mới

Go to top
Thế Giới Giấy - Paper World Copyright © 2015 - Paper World - All Right Reserved.