Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự quan tâm sau bài viết "Khi nào dùng lại hộp nhựa?" nhưng không ít người cũng thừa nhận vì tiện lợi mà dùng hộp nhựa đựng thực phẩm, ngay cả với thức ăn đang bốc khói nghi ngút.
Hộp nhựa được nhiều người dùng đựng thức ăn, kể cả khi thức ăn còn nóng hổi - Ảnh: Quang Định |
Khảo sát nhanh một số hàng ăn ở TP.HCM, chúng tôi thấy hộp xốp, hộp nhựa, chai nhựa gần như hiện diện ở khắp nơi.
Nhựa khắp nơi
Một xe cháo sườn trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) dùng 2 loại hộp nhựa đựng cháo, tùy theo khách hàng muốn mua suất 10.000 đồng hay 15.000 đồng. Nói về loại hộp đựng cháo, người bán cho biết một loại có giá 110.000 đồng/100 hộp, loại chỉ hơn 80.000 đồng.
Khi chúng tôi hỏi cháo đang nóng, đựng trong hộp thế này có độc hại gì không, người bán hàng trả lời ngay: “Cháo không nóng đến 100 độ C nên không độc hại gì cả. Có người dùng xong thì bỏ đi, có người về rửa sạch rồi dùng tiếp, như làm đá lạnh”.
Nhiều quán bán nước sâm, nha đam, sữa bắp cũng sử dụng chai nhựa đựng các loại nước. Chị T.T.H.N., bán nước sâm, nha đam ở Q.Thủ Đức, nói chị thường mua những chai nhựa này với giá rất rẻ, loại chai 380ml có giá 120.000 đồng/200 chai để đựng nước sâm bán cho khách.
“Chứ mua loại chai nhựa tốt bán sao có lời, trong khi mỗi chai nước sâm, nha đam chỉ có giá 5.000 đồng, 6.000 đồng”, chị N. nói.
Ở các quán cơm bình dân cho đến cơm văn phòng đều sử dụng hộp xốp, nhựa, túi nilông đựng thức ăn. Món canh còn nóng được cho sẵn trong túi nilông để tiện bán cho khách. Cô N.T.A., chủ một quán cơm bình dân ở Q.Bình Thạnh, cho rằng các loại hộp đựng, túi nilông này ảnh hưởng sức khỏe hay không thì không biết nhưng “cái nào tiện, dễ sử dụng thì mình dùng thôi”.
Dù e ngại về việc đựng cơm, canh nóng trong các hộp nhựa, túi nilông tại các quán ăn nhưng anh Huỳnh Hoài Bảo (sinh viên) không có sự lựa chọn khác. Trong khi đó, chị Mai Hiên (ngụ Q.Gò Vấp) kể gia đình chị rất cẩn thận khi sử dụng đồ nhựa và túi nilông.
“Nhà tôi luôn hạn chế dùng sản phẩm bằng nhựa. Túi nilông chỉ dùng túi trắng, không dùng túi màu. Hộp nhựa để đựng thực phẩm cho vào tủ lạnh nhưng đều mua hộp của hãng nhựa có tiếng. Còn những thứ phải đựng lâu ngày như làm dưa món, ngâm chanh muối thì dùng lọ thủy tinh. Thức ăn nóng không bao giờ cho vào hộp nhựa” - chị Hiên chia sẻ.
Không dùng sai chức năng của chai nhựa, hộp xốp
Trao đổi về nỗi lo của người dùng khi phải đựng thức ăn, nước uống trong các loại hộp nhựa, hộp xốp, chai nhựa, bà Lê Thị Hồng Hảo, viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết từ năm 2012 đến nay, mỗi năm viện đều lấy mẫu kiểm nghiệm hộp xốp, hộp nhựa, muỗng nhựa, ống hút nhựa... ngẫu nhiên trên thị trường.
Gần nhất là năm 2015 viện đã kiểm nghiệm 52 mẫu hộp nhựa, hộp xốp đựng thức ăn, ống hút và không phát hiện thôi nhiễm chất độc hại. Các chỉ tiêu kiểm nghiệm là theo yêu cầu trong quy chuẩn của Bộ Y tế với bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Tuy nhiên, bà Hảo cảnh báo nguy cơ có thể gây hại khi người dùng sử dụng không đúng chức năng sản phẩm, như dùng chai đựng dầu ăn cỡ lớn để muối dưa. Hoặc nhiều người bán lấy thùng đựng sơn để đựng thực phẩm, muối dưa, trong khi đó là thùng đựng hóa chất nên rất nguy hiểm.
Riêng về hộp xốp, một loại hộp phổ biến để đựng thực phẩm, bà Hảo khẳng định sản phẩm này có thể sử dụng đựng cơm, thức ăn chín.
"Nhưng để an toàn, Cục An toàn thực phẩm từng hướng dẫn không nên sử dụng hộp xốp đựng thức ăn, đồ uống nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, salad, dưa muối, không dùng hộp xốp đựng đồ uống vừa nóng vừa chua như trà chanh, do nhiệt độ cao kết hợp với hàm lượng acid cao làm tăng nguy cơ thôi nhiễm styrene (hóa chất sử dụng để sản xuất vật liệu làm nên hộp xốp). Hộp xốp chỉ sử dụng một lần và nếu đựng thức ăn thì nên để nguội bớt mới cho thức ăn vào hộp", bà Hảo nói.
Trước việc tiện dụng của những hộp hay bịch nilông đựng thức ăn nóng, hơn ai hết, người dùng cần biết rằng sử dụng đồ nhựa không chất lượng có thể gây bệnh cho chính mình.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, khuyến cáo: trong nhựa tái chế sẽ có lẫn tạp chất, trong đó có kim loại nặng. Những loại kim loại nặng khi vào cơ thể tích tụ trong gan, thận, gây suy gan, suy thận, tích tụ trong não gây mất trí nhớ.
Sử dụng hộp nhựa tái chế có chứa những chất độc như phtalat, BPA để đựng thức ăn, chất độc dễ bị thôi nhiễm vào thức ăn, đặc biệt khi thức ăn còn nóng hoặc có tính axit. Khi cơ thể bị nhiễm những chất độc này sẽ gây rối loạn nội tiết tố, vô sinh, dậy thì sớm ở trẻ, đái tháo đường...
Chưa phát hiện chất có thể thôi nhiễm
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết từ năm 2013 - 2015, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP đã liên tục lấy mẫu giám sát các đồ gia dụng có nguy cơ nhiễm độc, ví dụ như chén nhựa dùng một lần, muỗng nhựa, hộp xốp... ở các chợ lớn, chợ nhỏ, những điểm kinh doanh trên địa bàn TP.HCM để xét nghiệm tìm các chất có thể thôi nhiễm trong thực phẩm.
Kết quả cho thấy các chất có thể thôi nhiễm đều nằm trong mức được Bộ Y tế cho phép. Hiện các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục đi lấy mẫu.
Tuy nhiên, bác sĩ Huỳnh Mai cũng cho biết Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chưa lấy mẫu được đồ nhựa đựng thực phẩm của những xe đẩy bán hàng rong để xét nghiệm.
Đối với đơn vị sản xuất có bao bì là nhựa như cơ sở sản xuất dầu ăn, các cơ quan chức năng đi kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các đơn vị này sẽ kiểm tra luôn bao bì.Thùy Dương